Posted by : Unknown Sunday, April 15, 2012


Vào những chặng đường cuối cùng của dòng thơ Mới, khi chủ nghĩa lãng mạn đang chứng tỏ sự bất lực và khủng hoảng của nó, nhiều nhà thơ Mới có xu hướng những nỗ lực thoát ra khỏi quỹ đạo. Nếu như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên…tìm đến dòng thơ tượng trưng – siêu thực thì những nhà thơ như Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ và đại biểu xuất sắc nhất là Nguyễn Bính lại tìm về với văn học dân gian. Chính ca dao, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân gian cùng với chất trữ tình đằm thắm đã tạo nên nét chủ âm của hồn thơ Nguyễn Bính đem lại  một vị trí không thể thay  thế được của nhà thơ “chân quê” này.
Sự ảnh hưởng của văn học dân gian tới thơ Nguyễn Bính có cơ sở từ gia đình, quê hương và “cái tạng” tâm hồn nhà thơ. Trong khi các nhà thơ Mới chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa phương Tây hoặc Đường thi thì Nguyễn Bính lại tự tìm cho mình một lối đi riêng:
Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
Tắm mình trong không gian thơ mộng, thanh bình của làng quê, uống nước con sông quê, lớn lên từ hạt lúa củ khoai của vùng quê chiêm trũng nghèo khó “chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa”, Nguyễn Bính là nhà thơ của “các xứ đồng, của cái diều bay, của dây thiên lí, của mưa thưa, mưa bụi”. Và đọc thơ ông người ta ngỡ như “thơ ông là viện bảo tàng của tâm hồn người Việt Nam xưa”.
Lớn lên trong gia đình một nhà nho truyền thống, cha làm nghề dạy học với tính tình điềm đạm, nhân cách cao cả, nhưng chưa một tuổi Nguyễn Bính đã mồ côi mẹ, ông lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình, xóm làng. Sau đó, ông được đưa về quê ngoại – thôn Vân là nơi:
Thôn Vân có biếc có hồng
Hồng trong nắng sớm, biếc trong nắng chiều
Đê cao có đất thả diều
Trời cao lăm lắm có nhiều chim bay
Thôn Vân được bao bọc bởi lũy tre làng và con sông uốn quanh như dải lụa. Gần nhà  bà ngoại lại có những dậu mồng tơi, những giàn thiên lí, những vườn ao, bờ bãi, có cả những cô gái đẹp “yếm thắm môi hồng”…Nơi đó đã trở thành ngọn nguồn nuôi dưỡng hồn thơ của Nguyễn Bính.
“Bỏ lại vườn cam, bỏ mái tranh/Tôi đi dan díu với kinh thành”, nhưng những miền kí ức về thôn quê vẫn in đậm trong tâm trí nhà thơ. Và với Nguyễn Bính, dường như chỉ có những hình ảnh của những hàng cau, gốc rạ, vườn cây…, lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân gian mới hợp với “trường nhìn” “trường cảm nhận”, “vùng chữ” của ông. Nói như chính Nguyễn Bính:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Có thể coi đó chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính. Và chính lời tâm niệm ấy đã giúp Nguyễn Bính tạo nên một thế giới riêng, chỉ có ông mới có thể gợi lên “hồn xưa đất nước”, “đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu” trong lòng mỗi chúng ta.   
Lê Đạt đã đưa ra một khái niệm mới lạ và độc đáo “vùng chữ”, nó là phạm vi ngôn từ mà một thi sĩ sử dụng trong sự nghiệp thơ ca của mình, là bảng từ vựng riêng, in đậm dấu ấn cá nhân thi sĩ. Nếu như đến với thơ của Xuân Diệu ta sẽ thấy hàng loạt nhưng từ ngữ, hình ảnh tân kì mới lạ, đến với thơ của Chế Lan Viên là một trường từ vựng của một thế giới ma quái rùng rợn…thì tới với thơ của Nguyễn Bính ta lại thấy một “vùng chữ” hoàn toàn khác đó là “vùng chữ” của văn hóa dân gian. Những lời ăn tiếng nói hàng ngày, cách ví von so sánh, lối nói khẩu ngữ, những thành ngữ….đã được Nguyễn Bính đưa vào trong thơ mình một cách tự nhiên, dung dị tạo nên một thế giới thật riêng biệt – thế giới của chân quê.
Nguyễn Bính ảnh hưởng từ dân gian lối nói định ước, áng chừng. Đó là lối nói thiên về cảm tính rất đặc trưng của người Việt Nam. Trong thơ ông ta thấy những từ “hình như” được xuất hiện với một tần số rất cao:
“Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh”

“Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau”
Những từ “hình như” có chút gì mơ hồ, không xác định đã diễn tả một cách thật tinh tế những tình cảm e ấp, ngượng ngùng của những tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng của những chàng trai, cô gái trong tình yêu.
Đó còn là sự ảnh hưởng ở lối nói khẩu ngữ rất đậm đặc. Nhà thơ chêm xen rất nhiều những từ thuộc lời nói của miệng của dân quê vào lời thơ cùng với cách tổ chức câu thơ theo cấu trúc ngữ đoạn của khẩu ngữ làm cho những caia thơ của Nguyễn Bính mang đậm điệu nói dân gian:
“Chết nhỉ! Đêm nay ngủ với chồng
Trời ơi!Gió lạnh!Gớm mùa đông”
                                     “Nín đi!Mặc áo  ra chào họ
                                      Rõ quý con tôi các chị trông!”
Rồi những từ ngữ và cách diễn đạt mộc mạcmà người thôn quê thường hay sử dụng như : “mẹ bảo”, “phải lòng”, “thế nào”, “chửa”, “thế là”, “thế rồi”, “gớm”, “ừ thôi”, “rõ khéo”, “dẫu sao”, “nói chòng”, “chán tiệt”, “chán mớ đời”, “chả nhẽ”, “khốn thay”, ….được Nguyễn Bính đưa vào trong thơ một cách hết sức tự nhiên. Nó được kết hợp với những cách phát âm mang đậm màu sắc vùng thôn quê Bắc bộ như : trồng – giồng, trăng – giăng, trầu không – giầu không, trai làng – giai làng, trăng trối – giăng giối…Nó không làm mất đi sự mềm mại, trữ tình của những câu thơ mà ngược lại nó đêm đến một hơi thở nồng nàn của thôn quê dân dã, bình dị. Nói về cảnh quê, người quê mà dùng chính lời nói của thôn quê thì còn gì hợp hơn thế nữa.
Sự ảnh hưởng này còn có thể thấy rõ qua hệ thống những từ tình thái như : à, ơi, hà, hử, nhé, nhỉ, ạ, hỡi kia….Điều này làm cho thơ Nguyễn Bính gần với lời nói thường, mang đậm hơi điệu nói.
Một biểu hiện rõ nét của lối nói khẩu ngữ đó chính là lối nói đùa ghẹo. Trong thơ Nguyễn Bính  lối nói đùa vui rất đậm nét, mang hình bóng trêu ghẹo của những câu ca dao. Đây là một câu nói rất có duyên của người con gái:
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
Hay đây là lời tỏ tình đầy đáng yêu của một chàng trai :
Từ ngày cô chửa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bười nhiều hoa
Đi qua để được qua nhà đấy thôi
Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng sao mếch lòng
Biết đâu rồi chả nói chả chòng
Làng mình khối đứa phải lòng mình đây
                 (Qua nhà)
Những lối nói bóng gió của ca dao được xuất hiện rất nhiều trong thơ Nguyễn Bính tạo nên một vẻ đẹp ý nhị, duyên dáng cho những bài thơ tình yêu. Đây là lối nói bóng gió quàng xiên: “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em” , “Mọi người hớn hở ra xem/Duy chỉ có một cô em chạnh buồn”, “Đêm nay mới thật là đêm/Ai đem giăng giãi lên trên vườn chè”. Có cả lối nói vơ vào rất đáng yêu : “Đêm ấy chăn êm và gối êm/Vợ chồng ăn bánh với bà tiên/Ăn xong bỗng chốc liền thay tốt/Chồng hóa làm anh vợ hóa em”. Hay lối nói đi từ xa đến gần , vòng vo mà ý nhị của ca dao: “Đàn tôi đứt hết dây rồi/ Không người nối hộ không người thay cho/Có cô lối xóm hàng năm/Trồng dâu tốt lá, chăn tằm hơn tơ/Năm nay, đợi đến bao giờ/ Dâu cô tới lứa tằm cô chín vàng/Tơ cô óng chuốt mịn màng/Sang xin một ít cho đàn có dây
Thơ Nguyễn Bính còn đậm màu sắc dân gian khi ông vận dụng một cách sáng tạo những thành ngữ , ca dao. Có khi nhà thơ sử dụng một cách  nguyên vẹn: Một đi bảy nổi ba chìm/ Trăm nghìn cay đắng, con tim héo dần” (Lỡ bước sang ngang).  Có khi chỉ dùng một vài yếu tố để gợi : “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. “Năm tao bảy tuyết” là biến thể của thành ngữ “năm lần bảy lượt” có nghĩa là chàng trai cô gái đã thề nguyền, hẹn ước một cách chắc chắn không thay đổi. Chính vì thế mà cô gái đã tin tưởng, hi vọng bao nhiêu để rồi lại lỡ làng, lại thất vọng.
Trong thơ Nguyễn Bính còn có rất nhiều những thành ngữ mang tính biểu tượng cao như : “lỡ bước sang ngang”, “tắt gió sang sông”, “kiếp con chim lìa đàn”, “phìm đờn ngang cung”, “ngang sông đắm đò”…có cả những thành ngữ như : “trắng như bông”, “lạnh nhưu tiền”, “vui như tết”... Đặc biệt nhà thơ còn sự dụng những thành ngữ có số đếm theo cấp độ để thể hiện những cung bậc tình cảm hết sức khác nhau. Như khi nói về nỗi nhớ của chàng trai trong tình yêu:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Hay nói về số phận người con gái lấy chồng không hạnh phúc nhà thơ đã mượn ý từ thành ngữ:
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm nghìn cay đắng con tim héo dần
Hay : “Vũng khô năm đợi mười chờ/ “Trăm hờn nghìn hận suốt mùa đông”/ “Chao ôi!Ba bốn tao ân ái”/ “Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu”… Trong bài “Lỡ bước sang ngang” có tới những 18 thành ngữ, trong đó có những thành ngữ sử dụng số từ một cách nhuần nhuyễn như : “Mẹ già một nắng hai sương”/ “Chị đi một bước trăm đường xót xa”/ “Một vai ghánh vác giang sơn/ Một vai nữa ghánh muôn vàn nhớ thương”/ “Cách mươi mấy con sông sâu/Và trăm vạn nhịp cầu chênh chênh”…
Không chỉ là việc sử dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo những thành ngữ dân gian mà còn là việc cấu trúc chế tác ngôn từ theo lối thành ngữ với những cụm từ đăng đối như: “cả gió dắt cau”, “bướm lại ong qua”, “sương chiều gió sớm”, “nhạt thắm phai đào”, “gió lạnh sương sa”, “má đỏ môi hồng”, “sương muối gió may”, “pháo đỏ rượu hồng”, sầu sớm thương chiều”…. . Dân gian đã tạo nuôi dưỡng hồn thơ Nguyễn Bính  và ngược lại thơ ông đã làm giàu thêm cho ngôn ngữ dân gian. Nó thể hiện một kiểu tư duy dân gian rất đặc trưng cụ thể mà hình tượng, tinh tế và sâu sắc làm nên vẻ đẹp của sự dân dã, bình dị mà trong sáng thuần nhất đến độ nguyên thủy.
 So sánh ví von là cách diễn đạt rất hay thường được dùng trong ca dao để biểu đạt ý tình, người ta gọi đó là thể tỉ. Đến với thơ Nguyễn Bính, ta sẽ thấy hàng loạt những hình ảnh so sánh được sử dụng.
Trong lũy tre xanh vui mùa hợp tác
Mái đỏ ngoi lên như những nụ hồng
                                                         (Bài thơ quê hương)
Sao hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi lúc xuống tàu
                                                         (Đêm sao sáng)
Ngay cả những cung bậc cảm xúc trong tình yêu cũng được nhà thơ so sánh như cao dao xưa “Tình anh như nước dâng cao/ Tình em như dải lụa đào tẩm hương” :
Tình tôi là giọt thủy ngân
Dù nghiền chẳng nát vẫn lăn vẫn tròn
Tình cô là đóa hoa đơn
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn
                                                             (Oan uổng)
Ca dao vẫn so sánh: “Cổ tay em trắng như ngà/Đôi mắt em sắc như là dao cau/Miệng cười như thể hoa ngâu/ Chiếc khăn đội đầu như thể hoa sen” thì trong thơ Nguyễn Bính cũng có những câu như:
Một đi làm nở hoa sen
Một cười làm rụng hàng ngàn hoa mai
Hương thơm như thể hoa nhài
Những môi tô đậm làm phai hoa đào
Nõn nà như như thể hoa cau
Thân hình yểu điệu như là hoa lan
Nguyễn Bính còn chịu ảnh hưởng rõ nét từ ca dao dân ca khi ông sử dụng rất nhiều những ẩn dụ đã trở thành môtip quen thuộc như : thuyền – bến, bướm – hoa, cau – trầu, tằm – dâu…. Những hình ảnh ấy đi vào trong thơ Nguyễn Bính được trao gửi thêm những lớp ý nghĩa mới, đem lại sự hấp dẫn rất riêng, trở thành những biểu tượng đặc sắc trong thơ ông:
 “Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau”
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài thì nhớ giầu không thôn nào”
“Hoa yêu dấu bướm cho nên bướm      
Quả quyết yêu hoa đến trọn đời”
Bên cạnh việc sử dụng hai biện pháp tu từ quen thuộc là so sánh và ẩn dụ, tác giả còn rất hay sử dụng biện pháp nhân hóa – một biện pháp nghệ thuật quen thuộc trong ca dao. Người xưa vẫn trao gửi biết bao những tình cảm bằng cách gán cho sự vật môt linh hồn, tâm trạng như con người : “Núi cao chi lắm núi ơi/Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”, “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai”, “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai…”. Khi đọc thơ Nguyễn Bính ta cũng thấy nhà thơ sử dụng rất nhiều lần biện pháp nghệ thuật này. Thiên nhiên trên trang thơ ông không chỉ là hình ảnh của làng quê bình dị, thơ mộng mà còn là bức tranh tâm trạng của chính nhà thơ:
Hôm nay lá thấy tôi buồn
Luồn theo cánh gió lá luồn theo song
                                                              (Lá mùa thu)
“Đêm nay ngồi khóc trong trang lạnh
Trăng đắm chìm đi, gió thở dài”
                                                            (Diệu vợi)
“Tóc liễu hong dài nỗi nhớ nhung
Trăng nghiêng nửa mái gội mơ mòng”
                                                        (Bất chợt mùa thu)
Có thể nó rằng văn học dân gian đã để lại dấu ấn đậm nét trên ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính từ cách tác giả lựa chọn sử dụng từ ngữ, hình ảnh và biện pháp tu từ. Nó làm nên một bầu khí quyển rất riêng, một thế giới thơ không thể lẫn với bất kì một nhà thơ nào trong phong trào thơ Mới. Nếu như những cây bút như Thế Lữ, Xuân Diệu… chịu ảnh hưởng từ văn học lãng mạn phương Tây sáng tạo nên những “bộ y phục tối tân”, “những câu chữ tân kì mới lạ”, nếu như Vũ Đình Liên, Huy Cận “khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong trời đất này” bằng cách quay về với Đường thi thì những nhà thơ như Nguyễn Bính lại chọn cho mình một lối đi riêng đó là tìm về với nguồn cội trong âm vang của những câu ca dao, dân ca, của lối nói dân gian mộc mạc, chất phác. Nhưng giữa cả cái dòng chung ấy, ta vẫn thấy một Nguyễn Bính rất khác. Nguyễn Bính cũng viết về cảnh quê, người quê, tình quê nhưng khác với Đòan Văn Cừ, với Anh Thơ, Bàng Bá Lân…Ở những nhà thơ ấy chất lãng mạn dường như đậm đặc hơn, ảnh hưởng của dân gian cũng không thật nhiều, và họ viết cảnh quê với tâm thế của một du khách, một người đứng nhìn nhiều hơn là hòa chung vào với cảnh. Nhưng Nguyễn Bính thì khác, ông quan sát, ông trải nghiệm, ông thấu hiểu. Cái nhìn ấy là cái nhìn của một người nhà quê đích thực, của người sống ở thôn quê mà yêu mến cảnh quê, người quê, và thấm đượm một tình quê sâu sắc. Chính Nguyễn Bính đã tạo ra một kiểu nhà thơ Mới khác lạ đó chính là kiểu nhà thơ Dân gian. Có lẽ trong phong trào ấy chỉ có Nguyễn Bính mới xứng đáng được gọi như thế. Chất lãng mạn bay bổng, cái tôi cô đơn sầu muộn hòa quyện cùng chất trữ tình đằm thắm, duyên dáng ý nhị của ca dao, chất bình dị, mộc mạc của lời ăn tiếng nói hàng ngày đã tạo nên một “cái Tôi” Nguyễn Bính độc đáo, một kiểu nhà tho Dân gian có một không hai trong dòng chảy chung của Thơ Mới. Và rồi sau này có biết bao những nhà thơ cũng đã đi theo con đường mà Nguyễn Bính đã lựa chọn để làm giàu và làm đẹp cho thơ mình từ cội nguồn của văn hóa – văn học dân gian như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn…Tất cả, tất cả đã chứng minh được sức sống bất diệt.




                                                                



Popular Post

Powered by Blogger.

- Copyright © Văn học nghi luận thuyết minh phân tích