Posted by : Funny Friday, June 22, 2012


Câu 4: trong đề thi TS lớp 10 NH 2012-2013 tại TP.HCM (5 điểm)
            Hãy chọn và phân tích một hoặc hai khổ thơ trong các bài thơ của chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam.

Gợi ý
Đây là một đề làm văn có tính chất tự do. Nó cho phép người làm bài được tự do lựa chọn đối tượng để phân tích. Tuy nhiên, người làm bài phải tôn trọng những giới hạn được quy định trong đề. Thứ nhất, người làm bài chỉ được phép chọn một hoặc hai khổ thơ (không được hơn hai khổ thơ hoặc cả bài). Một, hai khổ thơ đó phải ở trong các bài thơ thuộc chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 (Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Bếp lửa, Ánh trăng, Đoàn thuyền đánh cá, Mùa xuân nho nhỏ, Viếng lăng Bác, Sang thu, Nói với con). Thứ hai, các khổ thơ được chọn phải có nội dung liên quan tới vẻ đẹp của con người Việt Nam. Thứ ba, khi phân tích, người làm bài phải có ý thức nêu bật được vẻ đẹp của con người Việt Nam trong một hoặc hai khổ thơ nói trên. Những vi phạm các yêu cầu nói trên sẽ làm cho bài viết rơi vào tình trạng xa đề, lan man hoặc lạc đề.
            Để có được kết quả tốt, bài viết còn phải có bố cục rõ ràng. Bài viết không mắc các lỗi về hành văn. Đặc biệt, phải thực hiện tốt thao tác phân tích một đoạn thơ, phải phân tích những yếu tố nghệ thuật của thơ để làm rõ giá trị của nó.
            Đây là một câu hỏi làm văn. Cho nên bài viết phải có đủ ba phần : mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần mở bài, nên giới thiệu tác giả, bài thơ và đặc biệt là một hoặc hai khổ thơ được chọn để phân tích. Trong phần thân bài, cần giới thiệu vị trí của phần thơ được chọn trong bài thơ, giới thiệu đại ý của phần thơ được chọn. Sau đó, phân tích và làm rõ vẻ đẹp của con người Việt Nam trong phần thơ đó. Có thể, nhận xét và đánh giá ý nghĩa của phần thơ đối với cả bài, đối với đề tài. Cuối cùng, trong phần kết bài cần tổng kết khẳng định phần thơ thể hiện vẻ đẹp của con người Việt Nam.
            Có thể hình dung vẻ đẹp của con người Việt Nam qua các bài thơ như sau :
-         Đồng chí : vẻ đẹp của tình đồng chí ở những con người xuất thân từ đồng ruộng, gắn bó với nhau, lạc quan trong cuộc sống chiến đấu gian khổ.
-         Bài thơ về tiểu đội xe không kính : vẻ đẹp của người bộ đội lái xe trên đường mòn Trường Sơn thời đánh Mỹ : ung dung, lạc quan, khí phách, hiên ngang coi thường khó khăn gian khổ, yêu thương đất nước và miền Nam ruột thịt.
-         Đoàn thuyền đánh cá : vẻ đẹp của người lao động, của người ngư dân trong công cuộc lao động xây dựng đất nước (lạc quan, chủ động, tích cực, hào hùng, đầy ân tình).
-         Bếp lửa : vẻ đẹp của tình bà cháu; vẻ đẹp của người bà, người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu thương (gia đình, đất nước), tần tảo hy sinh, chịu thương chịu khó; tấm lòng biết ơn trân trọng của cháu đối với bà.
-         Ánh trăng : vẻ đẹp của con người Việt Nam thể hiện trong sự gắn bó ân tình của con người với thiên nhiên, trong lời nhắc nhở phải biết thủy chung, uống nước nhớ nguồn.
-         Mùa xuân nho nhỏ : vẻ đẹp của con người Việt Nam: yêu thiên nhiên; hăng hái tích cực trong lao động xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ tổ quốc; vẻ đẹp của con người nguyện cống hiến cả đời cho đất nước, nguyện làm một “mùa xuân nho nhỏ” cho đời.
-         Viếng lăng Bác : vẻ đẹp của Bác Hồ, “mặt trời trong lăng rất đỏ”; vẻ đẹp của tấm lòng trân trọng, kính yêu đối với Bác Hồ.
-         Sang thu : vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm trước sự biến chuyển của thiên nhiên trong lúc giao mùa.
-         Nói với con : vẻ đẹp của con người Việt Nam được thể hiện trong lời tâm tình, nhắn nhủ của người cha đối với con : phải biết yêu quý gắn bó với gia đình, với quê hương, với đất nước; phải biết tự hào về vẻ đẹp của truyền thống, của đất nước; phải sống xứng đáng với gia đình, với đất nước.
Đây là một số gợi ý chung của cả bài. Mỗi phần thơ được chọn sẽ có nội dung cụ thể. Người làm bài sẽ căn cứ vào phần thơ đó phân tích để làm rõ vẻ đẹp cụ thể được biểu hiện trong phần thơ.
           
Nguyễn Đức Hùng
(Trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM)

Popular Post

Powered by Blogger.

- Copyright © Văn học nghi luận thuyết minh phân tích