Posted by : Funny Sunday, July 15, 2012


Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” đã thể hiện cái nhìn thấu hiểu và trĩu nặng tình thương của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với con người.
Anh/chị hãy phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2009) để làm sáng tỏ nhận định trên.
BÀI GIẢI GỢI Ý

            I. Mở bài:
            - Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu.
            - Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.
            - Giới thiệu luận đề: “Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác giả thể hiện cái nhìn thấu hiểu và trĩu nặng tình thương đối với con người”.
            II. Thân bài:
            1. Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài:
            a/ Người đàn bà hàng chài là một người phụ nữ lao động có bề ngoài lam lũ, xấu xí; cuộc sống vất vả, nghèo đói nhưng lại là một con người sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời:
- Ngoại hình: bà ta có một thân hình “cao lớn, thô kệch”, mặt rỗ, khuôn mặt mệt mỏi.
- Hoàn cảnh: làm nghề chài lưới, thuyền nhỏ, con đông; việc kiếm sống khó khăn, “có lúc trời làm động biển, cả nhà phải ăn xương rồng luộc chấm muối” hàng tháng.
- Tâm hồn, tính cách:
+ Nhẫn nhục, cam chịu:
. Thầm lặng chịu đựng những trận đòn dữ dội của chồng “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” như một cách để chia sẻ sự thay đổi tâm tính của chồng.
. Khi đến tòa án huyện gặp chánh án Đẩu và được khuyên li hôn, bà ta đã khiến cho Đẩu và Phùng ngạc nhiên với hành động “chắp tay vái lia lịa” và nói “Quý tòa bắt tội con cũng được, bỏ tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”.
+ Thấu hiểu lẽ đời, sâu sắc:
. Thể hiện qua sự thay đổi thái độ của bà ta với Đẩu và Phùng: từ chỗ xưng hô “quý tòa – con” chuyển sang “các chú – chị”
. Qua câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ không có nhan sắc “cả phố không ai lấy”; được anh con trai hàng chài “cục tính nhưng hiền lành” lấy làm vợ, ta thấy dường như trong tình cảm của bà giành cho người chồng vũ phu có cả sự biết ơn.
. Bà ta đã dùng những lý lẽ sâu sắc để giải thích cho thái độ cam chịu: làm nghề hàng chài trên thuyền cần phải có “một người đàn ông để chèo chống khi phong ba bão táp”; cần có một người chồng chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên trong sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.
. Bà ta hiểu sâu sắc hành động vũ phu của người chồng chẳng qua chỉ vì gia đình nghèo khổ, con cái nheo nhóc, không gian sống ngột ngạt “thuyền nào cũng trên dưới chục đứa con”.
b/ Người đàn bà hàng chài còn là một người phụ nữ giàu đức hy sinh:
- Trong khổ đau triền miên, bà ta vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”.
- Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là những lúc “ngồi nhìn đàn con tôi, chúng nó được ăn no”.
- Đó là những lý do giải thích tại sao người đàn bà ấy sống nhẫn nhục, chịu đựng, không muốn ly hôn. Ẩn đằng sau sự nhẫn nhục ấy là một bản năng sinh tồn mãnh liệt và một tấm lòng hy sinh rất đáng trân trọng.
2. Chứng minh Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cái nhìn thấu hiểu và trĩu nặng tình thương đối với con người:
- Nguyễn Minh Châu được xem là nhà văn đi tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Từ những tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh, ông chuyển sang cảm hứng thế sự đời tư với ngòi bút đậm màu sắc đạo đức và triết lý nhân sinh. “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện xuất sắc phong cách tự sự - triết lý của ông.
- Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, ông đã chọn được một nhan đề có ý nghĩa sâu sắc, khái quát được mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống và gởi gắm một thông điệp quan trọng: “Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng là nghệ thuật”. Từ đó, nhà văn muốn nói rằng: không được có cái nhìn một chiều, hời hợt khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật cũng như khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người.
- Tác giả đã chọn được một tình huống truyện độc đáo, mang tính phát hiện và vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà hàng chài là phát hiện mang chất nhân văn nhất.
- Nghệ thuật đối lập tương phản đã được nhà văn sử dụng như một biện pháp nghệ thuật cơ bản của tác phẩm. Đó là đối lập giữa nghệ thuật và cuộc sống; giữa bên ngoài và bên trong; kể cả tính cách nhân vật cũng được phát hiện trên các mặt đối lập.
- Từ tất cả những điều đã nói ở trên, có thể khẳng định “Chiếc thuyền ngoài xa” đã thể hiện cái nhìn thấu hiểu và trĩu nặng tình thương của Nguyễn Minh Châu đối với con người. Chính điều đó đã làm nên một tác phẩm vừa có giá trị hiện thực đặc sắc vừa có giá trị nhân đạo cao cả.
III. Kết luận:
- Khẳng định tác phẩm đã thể hiện rõ nét tấm lòng yêu thương, đồng cảm của tác giả dành cho những số phận bất hạnh, lam lũ.
- Tác phẩm đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc với những triết lý nhân sinh độc đáo.

Popular Post

Powered by Blogger.

- Copyright © Văn học nghi luận thuyết minh phân tích